Nội dung Bài viết
Vì sao nhà tuyển dụng lại hỏi “Bạn mong muốn mức lương bao nhiêu”?
Để đi đến câu hỏi liên quan tới lương thưởng, gần như bạn đã nắm chắc 70% cho vị trí, việc cuối cùng là thể hiện bản thân thật tốt trong câu hỏi về mức lương. Thông thường, khi muốn hỏi về mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu nhà tuyển dụng thường có 03 lý do chính như sau:
- Việc đánh giá về kĩ năng nghiên cứu thông tin, tìm hiểu rõ về vị trí công việc, mức lương trung bình trong ngành sẽ thể hiện bạn là người có sự chuẩn bị chu đáo và thực sự nghiêm túc với buổi phỏng vấn.
- Công ty nào cũng có một ngân sách cố định cho từng vị trí, nhà tuyển dụng muốn đảm bảo rằng mức lương kỳ vọng của bạn là phù hợp với ngân sách của công ty. Trong trường hợp xét thấy tiềm năng của ứng viên đối với vị trí cần tuyển, người phỏng vấn sẽ không ngại việc điều chỉnh ngân sách để phù hợp với mức đề xuất của nhân sự.
- Người tuyển dụng muốn tìm hiểu cách bạn nhìn nhận giá trị bản thân mình như thế nào. Một ứng viên tốt thường gây ấn tượng với thái độ lịch sự, khiêm tốn, biết tự đánh giá khả năng và kinh nghiệm làm việc của bản thân. Một người có thể tự tin đề xuất mức lương phù hợp với họ cùng với những lập luận sắc bén về tính cam kết.
Câu trả lời về mức lương bạn mong muốn là bao nhiêu có thể sẽ là bắt đầu của quá trình đám phán lương giữa người phỏng vấn và bạn. Vì thế hãy đảm bảo bạn đã tìm hiểu kĩ về mức lương trên thị trường và đối chiếu với mong muốn của bạn trước khi trả lời.
>>> Xem thêm: Cách deal lương khi phỏng vấn cực tinh tế mà bạn nên biết
Những bí quyết giúp trả lời cho câu hỏi “Bạn mong muốn mức lương bao nhiêu?”
Luôn giữ thái độ chuyên nghiệp và lịch sự trong suốt buổi phỏng vấn
Đừng khiến phần trao đổi về lương trở nên gượng ép, khó xử bằng cách kì kèo nhiều ít về mức lương. Bạn cần phải xử lý tình huống một cách khéo léo, thuyết phục bằng sự chuẩn bị từ trước về mức lương mong muốn của bản thân và dựa trên những trao đổi của bạn và nhân sự trong suốt buổi phỏng vấn, từ đó đưa ra con số một cách hợp lý.
Trong trường hợp rơi vào tình huống bạn bị nhân sự đặt vào vị thế thấp và đưa ra mức lương thấp hơn nhiều so với mong đợi, hãy thể hiện sự chuyên nghiệp, bình tĩnh bằng cách đặt câu hỏi ngược lại để hiểu thêm về góc nhìn của người phỏng vấn, hoặc đề nghị thêm thời gian để cân nhắc về đề xuất, đừng vội đưa ra quyết định nếu bạn vẫn chưa chắc chắn. Tuyệt đối đừng tỏ ra thiếu kiên nhẫn hay thất vọng vì đó có thể là cách nhà tuyển dụng kiểm tra khả năng xoay xở của bạn khi bị đưa vào tình huống khó khăn.
>>> Xem thêm: Quy chế lương thưởng trong doanh nghiệp mới nhất
Đừng thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn rất cần công việc này
Trao đổi về lương thưởng là cả quá trình đàm phán dài hơi, bạn không để người phỏng vấn biết rằng bạn thực sự rất cần công việc này. Hãy xử lý tình huống một cách khéo léo, tôn trọng ý kiến của nhau. Hãy nhớ rằng, bạn đang đi tìm việc phù hợp với năng lực, kinh nghiệm để có thể gắn bó lâu dài chứ không phải đi “xin việc”, nhà tuyển dụng trao cho bạn cơ hội để thể hiện năng lực của bạn với công ty, bạn đóng góp sức mình trong việc cải thiện hiệu quả, nâng cao chất lượng sản phẩm từ đó góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp. Đây là mối quan hệ cả hai cùng có lợi nên bạn không cần phải tỏ ra lép vế trước mặt người phỏng vấn để mong được nhận việc, điều đó chỉ thể hiện sự thiếu tự tin và gây ấn tượng không tốt, thay vào đó hãy thể hiện bản thân thật tốt bằng thái độ tự tin, chân thành.
Đưa ra mức lương bạn hài lòng và giải thích nó
Việc đưa ra mức lương sẽ được thể hiện theo nhiều cách khác nhau và tuỳ thuộc vào tình huống mà người phỏng vấn đưa ra. Tốt nhất bạn hãy chuẩn bị mức lương phù hợp với giá trị của mình và mức lương trên thị trường trước khi tham dự buổi phỏng vấn để tránh rơi vào tình huống lúng túng. Bạn có thể trả lời theo mẫu sau: “Theo như tôi được biết thì với vị trí hiện tại đang được trả lương từ 10 đến 12 triệu đồng và dựa theo yêu cầu công việc mà chúng ta đã thảo luận và từ những kiến thức, kinh nghiệm của mình, tôi mong nhận được mức lương từ 10 đến 15 triệu, anh/ chị nghĩ sao về mức lương đó?”
Sự thật là nhà tuyển dụng không đặt nặng về con số, bạn chỉ cần chứng minh rằng tại sao lại là con số đó và họ sẽ điều chỉnh ngân sách để tuyển bạn vào. Hãy thuyết phục người phỏng vấn rằng bằng kinh nghiệm và kỹ năng của mình, bạn sẽ đóng góp hết mình vào sự cải tiến của công ty.
Bạn có thể thử theo cách sau: “Em nghĩ 8 triệu là con số dành cho những người hoàn toàn chưa có kinh nghiệm, trong khi em đã có kinh nghiệm … tháng/ năm tại vị trí ….. vì vậy trong khi một nhân sự mới sẽ mất 3-6 tháng để quen việc, bản thân em sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho công ty nên 9 triệu là con số em mong muốn ạ.
Lịch sự hỏi lại để dò đường nếu bản thân không biết rõ
Trường hợp bạn chưa có con số mong muốn cụ thể cho câu hỏi “Bạn mong muốn mức lương bao nhiêu?”, thay vì đi thẳng vào trả lời câu hỏi, bạn có thể ứng biến bằng cách chứng minh bản thân mình là nhân tố phù hợp và đặt câu hỏi ngược lại với nhà tuyển dụng nhằm có thêm dữ liệu về khoản lương của doanh nghiệp. Bạn có thể trả lời như sau:” Qua buổi phỏng vấn hôm nay, tôi cảm thấy đây thực sự là một môi trường phù hợp với bản thân. Tôi muốn có thể thử sức ở vị trí này vì nhận thấy bản thân có cơ hội được thể hiện kỹ năng của bản thân, được học hỏi và cơ hội thăng tiến cao. Vậy anh/ chị có thể cho tôi biết về mức lương dự tính cho vị trí này là bao nhiều?
Lúc đó, HR sẽ “bật mí” mức kinh phí dự định của họ sẽ dao động trong khoảng nào đó. Từ đó, bạn có thể cân nhắc với năng lực của bản thân nhưng nhớ đặt con số đó bên cạnh các yếu tố khác như: phụ cấp, tiền thưởng,…
Và sẽ không ngoại lệ nếu nhà tuyển dụng từ chối trả lời câu hỏi của bạn. Do đó, bạn không thể vòng vo mà hãy cân nhắc về công việc cũng như năng lực, kinh nghiệm của bản thân để đưa ra mức lương tương đối. Dĩ nhiên bạn không nên đề xuất một mức qua cao so với mức lương trung bình trên thị trường cũng không quá thấp, điều đó thể hiện sự thiếu tự tin ở bản thân mình làm hạn chế cơ hội công việc của bạn.
Căn cứ vào mức lương hiện tại
Đối với dạng câu hỏi “ Bạn mong muốn mức lương bao nhiêu”, bên cạnh việc nghiên cứu mức lương trung bình của ngành ứng tuyển trên thị trường, bạn cũng có thể sử dụng mức lương gần nhất của bạn trong cùng một vị trí để làm điểm khởi đầu. Điều này chỉ áp dụng nếu bạn đang ứng tuyển cho công việc trong cùng lĩnh vực. Tuy nhiên, đừng nói quá nhiều vè mức lương cũ của mình, hầu hết nhà tuyển dụng đều không thoải mái với việc bạn so sánh về mức lương cũ và mới, việc đó sẽ đẩy bạn vào những tình huống khó xử bằng những câu hỏi hóc búa hơn nhằm khai thác liệu bạn có đang nói dối về mức lương trước đây hay không. Điều đó không đồng nghĩa với việc bạn phải giữ nguyên mức lương cũ, bởi đây là điều không ai muốn khi thay đổi sang công việc mới, nhà tuyển dụng hoàn toàn hiểu điều này, vậy nên hãy bày tỏ một cách chân thành về nguyện vọng nhận được vị trí mới với mức lương tăng khoảng 10-20% so với con số cũ.
Gợi ý các câu trả lời mẫu
Đưa ra một khoảng lương
Nếu bạn không tự tin khi đưa ra một con số nhất định, cách trả lời bạn mong muốn mức lương bao nhiêu là hãy bắt đầu với một khoảng lương. Hãy nhớ rằng, phần lớn nhà tuyển dụng sẽ chọn mức thấp nhất trong khoảng lương mà bạn đề nghị, thế nên hãy đảm bảo con số thấp nhất gần với mức lương mà bạn mong muốn. Và khoảng lương của bạn cũng không nên cách nhau quá xa, tốt nhất trong khoảng từ một triệu đến hai triệu.
Ví dụ: “Tôi có 02 năm kinh nghiệm làm Design và tôi tin rằng với những kĩ năng và kinh nghiệm mà tôi tích luỹ được sau các dự án lớn, nhỏ; tôi xứng đáng với mức lương trong khoảng từ 12 đến 14 triệu một tháng”
Đặt câu hỏi phụ xoay quanh vấn đề về mức lương
Nếu bạn vẫn chưa rõ ràng về công việc bạn sẽ đảm nhận cho vị trí này như: về đãi ngộ công ty, về lương OT (làm thêm giờ), về những quyền lợi cho nhân viên, thay vì trực tiếp trả lời câu hỏi bạn mong muốn mức lương bao nhiêu, hãy chủ động hỏi thêm các câu hỏi khác về công việc và công ty trước khi đến trả lời câu hỏi của nhà tuyển dụng.
Ví dụ: “Trước khi trả lời câu hỏi này tôi muốn hỏi thêm thông tin về các yêu cầu công việc và chính sách đãi ngộ của công ty nhằm xác nhận một cách chính xác về vai trò của mình. Từ đó, tôi có thể đưa ra một mức lương phù hợp hơn được không?”
Những điều cần tránh khi trả lời câu hỏi “bạn mong muốn mức lương bao nhiêu”
Không nên thảo luận về lương bổng khi chưa nhận được nhà tuyển dụng hỏi đến: Nếu bạn làm vậy, nhà tuyển dụng có thể nghĩ rằng bạn đang tự đánh giá bạn quá cao bản thân, vô tình gây ấn tượng không tốt. Nếu chính nhà tuyển dụng đưa ra vấn đề đó, khi đó họ đã nghĩ rằng bạn là một ứng viên tiềm năng và muốn hỏi về mức lương mong muốn của bạn để có thể cân nhắc thêm. Khi đó, hãy cho người phỏng vấn biết rằng bạn đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn lòng thảo luận về lương bổng.
Không tiết lộ mức lương cụ thể trong quá khứ: Bằng cách không tiết lộ chính xác mức lương và trả lời một cách khéo léo về lý do khiến cho bạn rời bỏ công việc cũ sẽ khiến nhà tuyển dụng mang đến cho bạn các đề nghị hấp dẫn hơn.
Khoan hãy đồng ý ngay khi nhận được lời đề nghị: Lời khuyên của nhiều anh chị đi làm lâu năm rằng hãy yêu cầu có ít nhất 24h để phản hồi lại lời đề nghị của nhà tuyển dụng thông qua Email vì điều này cho bạn thời gian để ra khỏi niềm vui ban đầu khi được lựa chọn, do đó giúp bạn có thể tỉnh táo xem xét mức lương đó có thoả đáng hay chưa bằng.
Và nếu bạn vẫn cảm thấy khó khăn trong việc trả lời câu hỏi “Bạn mong muốn mức lương bao nhiêu?” và các câu hỏi liên quan tới việc ứng tuyển khác. Hãy thường xuyên ghé Muaban.info.vn để cập nhập thêm nhiều tin đăng tuyển dụng việc làm mới nhất nhé!
Bài viết liên quan
- Cách deal lương khi phỏng vấn cực tinh tế mà bạn nên biết
- Quy chế lương thưởng trong doanh nghiệp mới nhất
- Học kiểm toán ra làm gì? Có giống với kế toán không?
- Kế Toán Nội Bộ Là Gì? 3 Lý Do Bạn Nên Chọn Làm Kế Toán Nội Bộ
- Kỹ năng lãnh đạo là gì? Làm thế nào trở thành nhà lãnh đạo giỏi
- CFO là gì? 4 Kỹ Năng Phải Biết Nếu Muốn Trở Thành CFO
- Ngành nghề hót năm 2022
- Mẫu thư cảm ơn được sử dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực đời sống
- Tổng hợp những câu hỏi phỏng vấn xin việc làm mới nhất 2022
- 5S là gì? Áp dụng Quy trình 5S dẫn đến thành công!
- Kỹ năng trả lời phỏng vấn xin việc không nên bỏ qua