Khắp thế giới, nhiều người tin rằng họ từng nhìn thấy hoặc nghe thấy ma, nhưng không có bằng chứng khoa học về linh hồn, ma ám hay siêu linh. Vậy phía sau những lần con người gặp ma là điều gì?
Bạn từng nghe ai đó kể lại câu chuyện ma làm chết người, hoặc thậm chí bạn tin rằng chính mình đã từng gặp ma. Tuy vậy, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy ma tồn tại, nhưng vì sao một số người vẫn cho rằng họ đã nhìn thấy hoặc nghe thấy ma?
Giáo sư tâm lý học Christopher French ở Trường đại học London, Anh, mới đây đã viết một cuốn sách về khoa học huyền bí và cho biết việc nhìn thấy ma thường là những cách hiểu sai về những điều có thể giải thích được.
“Chỉ vì bạn không thể nghĩ ra lời giải thích không có nghĩa là không có lời giải thích nào”, giáo sư French nói.
Giáo sư French luôn tìm tòi khám phá những lời giải thích cho những cuộc gặp gỡ ma quái. Ông cho rằng đó là ảo giác hoặc nhận thức về những thứ không có thật, là ký ức sai hoặc hồi ức về những sự kiện không hề xảy ra, và xu hướng ám ảnh tâm lý khiến một người luôn nhìn thấy khuôn mặt trong một vật thể vô tri hoặc hình ảnh ngẫu nhiên.
Bộ não con người có xu hướng bỏ sót nhiều thứ và ghi nhớ sai các sự kiện, đồng thời não cũng có thể đưa ra kết luận khi cố gắng hiểu một trải nghiệm mơ hồ, nhất là khi một người muốn tin rằng họ đã nhìn thấy ma hoặc một sinh vật trong truyền thuyết.
Tâm trí lừa dối chúng ta?
Trong những năm gần đây, các nhà thần kinh học đã xác định được nguyên nhân tiềm ẩn khiến chúng ta có cảm giác bị ai đó hoặc thứ gì đó ám ảnh.
Nghiên cứu cho thấy các cơn động kinh ở thùy thái dương – khu vực não xử lý trí nhớ hình ảnh và ngôn ngữ – có thể kích hoạt các cơn động kinh. Trong khi, các rối loạn tín hiệu ở vùng não này có thể khiến chúng ta cảm thấy như được kết nối với các thế giới khác.
Nghiên cứu thực tế cho thấy, những bệnh nhân có tiền sử mắc các vấn đề như vậy thường tin vào các hiện tượng tâm linh, huyền bí.
Trong dân gian, người ta thường đồn nhau rằng, ma có xu hướng xuất hiện trong khoảng thời gian từ 2 đến 4 giờ sáng. Kỳ lạ thay, đây cũng chính là thời điểm mà các cơn động kinh này xảy ra thường xuyên nhất.
Chúng ta cũng có thể trở thành nạn nhân của sự nhầm lẫn ảo giác.
Trong một nghiên cứu thực hiện vào năm 2014, các nhà khoa học thần kinh tới từ Thụy Sĩ đã bịt mắt một nhóm những người tham gia, sau đó nối tay họ với một cỗ máy theo dõi chuyển động của ngón tay.
Khi các đối tượng cử động ngón tay, một phần phụ của robot phía sau họ đồng thời chạm vào lưng họ theo cùng một phương thức. Đa số đều ngay lập tức nhận ra tác động này.
Nhưng khi nhóm nghiên cứu quyết định ngưng các chuyển động bắt chước của thiết bị trong vài mili-giây, một số người nói rằng, họ vẫn cảm thấy một ngón tay đang chọc vào lưng họ, như thể có một sự hiện diện thần bí nào đó đằng sau họ.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, những chuyển động bị ngưng trệ có thể gây ra sự xung đột tạm thời với não bộ, tại nơi kiểm soát các tín hiệu cảm giác và vận động.
Hiện tượng “cảm giác có sự hiện diện” này cũng có ý nghĩa chung đối với những hiện tượng siêu nhiên xung quanh chúng ta.
Nếu một sự chậm trễ nhỏ trong chuyển động của hệ thần kinh là đủ để triệu hồi một linh hồn, thì có lẽ bộ não siêu việt và chưa thể được giải mã của chúng ta vốn dĩ có khuynh hướng ở một mức độ nào đó vẫn tin rằng, ma quỷ là có thật.
Để rồi khi chúng ta lớn lên, nhưng những cảm giác đó không bao giờ biến mất.
Ngoài ra, có một số tình trạng bệnh lý khiến cho việc một người “gặp ma” dễ xảy ra hơn. Một trong những lĩnh vực nghiên cứu của giáo sư French là chứng rối loạn tê liệt khi ngủ, trong đó người mắc chứng này nghĩ rằng họ đã thức dậy hoàn toàn nhưng không thể cử động, thường là khi họ cảm nhận được sự hiện diện của ma quỷ.
Ông cho biết “nó giống như thể ý thức của bạn đã tỉnh nhưng cơ thể thì chưa. Và trong bạn có sự kết hợp thú vị giữa ý thức lúc thức và ý thức lúc trong mơ, khi đó nội dung của giấc mơ đến và đi vào ý thức lúc thức. Kết quả của việc này có thể vô cùng đáng sợ”.
Giáo sư French lưu ý rằng nếu một người bị tê liệt khi ngủ mà không hề biết trước về chứng rối loạn này thì người đó rất dễ tưởng rằng họ đã có một trải nghiệm siêu nhiên.
Tuy vậy, ngay cả trong lúc tê liệt khi đang ngủ và con người bị điều khiển bởi những giấc mơ của mình thì cái mà người ta bắt gặp thường là bóng của một người trong góc phòng.
Các bộ phim thường mô tả ma là những thân hình giống người, trong suốt, nhưng những hình ảnh này chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số những lời thuật lại của những người gặp các tình trạng huyền bí.
Giáo sư Johannes Dillinger ở Trường đại học Oxford Brookes, Anh, đang tìm hiểu về các dạng ma mà nhiều người cho là đã gặp trong nhiều thế kỷ qua trong xã hội và văn hóa phương Tây. Ông nói rằng đa số mọi người kể lại là họ gặp một con yêu tinh vô hình.
“Rất nhiều hồn ma trong nhiều thế kỷ qua chỉ là những con yêu tinh vô hình. Người ta cho rằng chúng ở đó là vì họ nghe thấy những tiếng động lạ rất khó giải thích, thường vào ban đêm”, giáo sư Johannes Dillinger chia sẻ.
Giáo sư Dillinger nhận thấy rằng trước năm 1800, người ta tin rằng ma có những việc quan trọng mà chưa được hoàn thành, chẳng hạn như chúng thường muốn mọi người tìm thấy kho báu và sử dụng vào một mục đích nào đó. Về sau này, người ta “gặp” ma trong những tình huống về việc cá nhân họ nhiều hơn.
Thế kỷ XIX đánh dấu sự trỗi dậy của thuyết tâm linh và niềm tin rằng con người có thể giao tiếp với ma và linh hồn.
Trong các trường hợp thuật lại rằng họ gặp ma, niềm tin của mọi người thay đổi từ việc tin rằng ma đòi hỏi những thứ của người sống sang tin rằng người sống mong muốn được người chết an ủi.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình thay đổi niềm tin như vậy, sự hiện diện của những con ma vẫn là sự giải thích rằng nhiều người chưa thể chấp nhận các giải thích của khoa học mà sẵn sàng cho rằng đúng là có những tiếng động lạ kỳ trong bóng tối và đó là do ma gây ra. “Ma thực sự là cái khiến người ta dựng tóc gáy trong đêm”, Giáo sư Dillinger nói.